Thanh Niên Du Lịch Hoàn Mỹ

Du Lịch Hoàn Mỹ

Bài dự thi Thể lệ

Avatar Tác giả #Nguyễn Quang Khiêm 10.08.2018
  • 10.08.2018
Bên đó, Bên đây

Như bao người. Rời quê nhà. Cậu tôi đã đến định cư ở Mỹ.

Đưa người Con trai duy nhất đến xứ mơ ước - (Long Beach, California 2001)

Ngày Cậu đi, đưa ra sân bay trong tiết trời oi nắng giữa mùa hè. Cái sĩ diện và hãnh diện đều nằm trong con người ấy. Dáng người thấp hòa lẫn vào dòng người đông đúc đưa tiễn trong nhà chờ sân bay.

Cậu tôi vẫn nổi bật với bộ đồ Vest sáng màu ủi phẳng cứng và nụ cười tươi hiện trên mặt.

Ngoại tôi cũng ráng theo xe lên tận sân bay đưa người con trai duy nhất của mình cùng gia đình sang Mỹ.

Trong dòng người đông đúc, Ngoại cố giơ cao tay và cười tiễn vợ chồng con trai cùng đứa cháu cho đến khi bóng dáng con mình khuất sau cánh cửa.

Những giọt nước mắt vui buồn lẫn lộn cho người đi tới xứ mơ ước cũng là bắt đầu cho sự cách trở về liên lạc gặp nhau sau này bởi nó xa xôi mà nghe nói phải bay cả ngày mới tới.

Ngoại ngồi bệt xuống đất.

- Xong rồi Ngoại, mình đi về.

- Ngoại mỏi chân rồi, ngồi tí cho đỡ mỏi rồi về.

- Dạ.

Ít phút sau ...

- Ngoại đỡ mỏi chưa?

Không nghe trả lời. - Ngoại đỡ mỏi chưa? - hỏi lại sợ Ngoại không nghe.

Tiếng thúc thích làm chạnh lòng hiểu được phía sau cái cười và bàn tay vẫy tiễn đưa khi nãy là sự gắng gượng không bù được nỗi lòng nên Ngoại ngồi sụp xuống với lý do mỏi chân để mà gục đầu cho nước mắt chảy về nơi nó phải đến.

- Cậu đi cho ngày mai tốt hơn mà. Cậu đi sang đó đến nơi là sẽ điện về, Ngoại đừng buồn nữa, vui lên cho Cậu yên tâm để rồi sang đó sẽ sớm ổn định và về thăm. Bên đó cuộc sống tốt hơn bên mình, đầy đủ hơn, ai cũng đi xe hơi cả mà. Ngoại đừng lo.

- Ngoại không lo nhưng Ngoại khóc vì xa cách mà khi muốn gặp phải chờ lâu lắm. Nó có vui thì không nói, khi buồn, khi khó thì mình đâu biết mà tâm sự, mà an ủi. Chẳng lẽ phải chờ nó bay về tới đây thì đâu còn muốn nói hay tâm sự gì bởi xa và lâu quá.

- Nhưng dẫu sao thì để tương lai tốt hơn thì phải có những cái mình cần đánh đổi, cân nhắc hoặc để giành lại mà dồn cho ngày mai chứ. Thôi để con dìu Ngoại ra xe nha.

Trên đường về lại quê. Ngoại tôi mắt nhìn xa xăm như muốn nhìn đến tận nơi mà người con trai đang đi đến. Có lẽ cái nhìn xa xăm của Ngoại đã đến được nơi đó nhanh trước khi Cậu tôi đến nhiều lần dẫu bằng máy bay.

Chiều về đến nhà Ngoại ngồi trầm ngâm.

- Ngoại. Sao trầm ngâm dữ vậy?

- Ừ. Thường khi Cậu mày giờ này ở đây, giờ vắng, thiếu cho dù nó đi có sướng thì cũng thấy trống, vắng.

- Thôi Ngoại vô ăn cơm rồi nghỉ, đi cả ngày chờ đợi mệt mỏi rồi.

Giấc ngủ đến với Ngoại như bao ngày nhưng đôi mắt lâu lâu lại đảo tròng, môi mấp máy như có ai trò chuyện giữa giấc ngủ của Ngoại.

Hôm sau đang quét sân thì:

- Ngoại, Ngoại.

- Gì mà la om xòm vậy?

- Ngoại, Ngoại. Cậu gọi điện về tới rồi, tới rồi.

Đặt cây chổi lên gốc dừa, Ngoại nữa bước nhanh, nữa như muốn chạy vào nhưng không thể bởi cái chân của người có tuổi nó như bị níu lại, như ngăn cái háo hức kia.

Mặt Ngoại rạng rỡ. Ngoại hớn hở mà cố kềm nén để hưởng cái hạnh phúc tưởng chừng đơn sơ nhưng quá lớn kia, nó làm cho Ngoại có thể sẵn sàng chạy chứ không phải đi từng bước nữa. Đó là điện thoại của đứa Con trai Bà đã tới Mỹ.

Qua điện thoại Ngoại cứ hỏi liên tục lẫn trong tiếng cười mà chỉ nghe được là 2 từ Bên đó.

Bên đó ... gì gì. Bên đó ... thế nào, Bên đó ... ra sao...

Và tiếng Cậu trong điện thoại mở lớn là:

Bên đây .. thế này. Bên đây ... vậy đó. Bên đây ... đừng lo ...

- Úi trời. Lo hôm qua giờ, giờ nghe cậu mày điện về nói bên đó mọi thứ, giờ tao biết hết rồi. Ngoại cười với vẽ mãn nguyện.

Cứ thế mà thời gian trôi qua. Thấm thoát mà cũng gần 10 năm.

Ngày Cậu về thăm Ngoại thì cũng như ngày Cậu đi, Ngoại cũng ráng lên tận sân bay.

- Thôi Ngoại ở nhà chờ Cậu về, lên sân bay xa xôi, chờ đợi, đông người mệt lắm.

- Không. Ngoại đi được mà. Hôm nay Ngoại thấy khỏe nên dậy sớm tụi bây không thấy hả.

Cũng hiểu được giờ có làm gì thì Ngoại cũng sẽ đi. Đi để đón người đi Mỹ về.

Đi để mới có thể sớm nhất cầm tay, sờ bằng xương bằng thịt mà gần 10 năm qua Ngoại nghe tiếng, thấy hình nhưng không thấy người.

Tiếng loa phóng thanh báo số hiệu máy bay hạ cánh, Ngoại ngồi nghiêng đầu đưa tai về phía loa cố lắng nghe cho rõ mỗi khi loa kêu để bù lại cái âm thanh mà Ngoại nói nó phát nhỏ chứ không phải Ngoại nghe kém rồi.

- Sao lâu vậy bây.

- Dạ còn làm thủ tục Hải quan rồi chờ lấy hành lý nữa.

- Nghe đáp xuống rồi mà sao người ta cứ giữ nó trong đó làm gì.

- Thì chờ lấy hành lý chứ. Chắc Cậu mua quà cho Ngoại nhiều nên chờ lấy lâu đó.

Khỏi phải nói khi gặp nhau ở sân bay, những giọt nước mắt vui mừng, chờ đợi, hả hê, hoan hỉ.

Sau 3 tuần.

Ngày Cậu trở về Mỹ, Ngoại cũng một vali giao cho đứa cháu khệ nệ mang ra xe.

Cùng Con trai khi Ngoại đến Mỹ (Long Beach, California nơi Ngoại đã đến 2001).
Và đi cho ... (Ngày Ngoại đ Mỹ - đi đến xứ mơ ước mà Cậu đã đến) Tiền Giang.
Bết bên đó ... rồi về lại bên đây (Cẩu Golden Gate nơi Ngoại đã đến 2001).

- Ngoại. Ngoại mang gì mà nặng dữ vậy. Tính ở luôn bến đó hả.

- Ngoại mang đồ đi để sang bên đó có mặc chứ đi chơi mà nó kêu là đi liền tù tì thì lấy gì mặc. Nó nói ở bên đó không có giặt đồ, mà cũng không có chỗ phơi như bên đây mình nên tao mang nhiều để có đồ mặc, khi nào giặt được thì giặt một thể.

- Dạ. Nhớ kiếm chỗ phơi cho chắc ăn chứ phơi nhiều lỡ nó lấy là mất hết đó.

- Mồ tổ bây. Bên đó chứ không phải như bên đây đâu mà lo. Thôi Bây ở nhà ráng mấy bữa Ngoại đi qua bên đó thăm và đi cho biết bên đó rồi về lại bên đây.

Và Ngoại tôi cũng đã đến Mỹ.

Thôi Bây ở nhà ráng mấy bữa Ngoại đi qua bên đó thăm ... (lời căn dặn trước khi Ngoại đi Mỹ).

Tôi. Ngày nào ư. Ráng lên tôi ơi.

Bài liên quan
Bình luận